0969282835

Đá mỹ nghệ Ninh Bình, cơ hội và thách thức

Đã từ lâu, Ninh Vân (Hoa Lư) được nhiều người biết đến với nghề chế tác đá mỹ nghệ. Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân được thị trường ưa chuộng từ mẫu mã cho đến chất đá. Phát huy truyền thống của làng nghề, những năm gần đây, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân được quan tâm đầu tư và ngày càng phát triển.
Dấu ấn của người thợ đá làng nghề đã để lại ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Tượng đài của Hồ Chủ tịch ở tỉnh Cao Bằng, tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, tượng đài Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, tượng đài mẹ Suốt ở Quảng Bình, công trình tượng đài mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP Hồ Chí Minh…

đá mỹ nghệ ninh bình
đá mỹ nghệ ninh bình

ở tỉnh ta, thợ đá làng Ninh Vân đã tạo nên nhiều công trình đặc sắc: cổng Tam Quan, Long sàng (sập rồng) đặt trước đền vua Đinh; rồng đá, bệ đá, đèn đá ở động Thiên Tôn, đền Thái Vi; 500 bức tượng La Hán ở chùa Bái Đính… Với diện tích núi đá hơn 400 ha, Ninh Vân không chỉ cung cấp một khối lượng lớn đá cho xây dựng mà còn đóng góp 60% nguyên liệu đá cho nghề chế tác đá mỹ nghệ, từ sản phẩm lớn đến siêu lớn, 40% còn lại lấy đá ở Thanh Hóa và Nghệ An.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban quản lý làng nghề ở xã Ninh Vân cho biết: Lịch sử làng đá mỹ nghệ Ninh Vân có từ rất lâu, bia đá ở những di tích còn ghi lại: Cách đây 400 năm, ông Hoàng Sùng là người đầu tiên bắt đầu chế tạo ra những đồ bằng đá. Cứ thế theo thời gian, công việc này được truyền lại cho các đời sau. Năm 1985 – 1986, người thợ Ninh Vân được nhận làm khối tượng lớn ở Campuchia. Năm 1989 – 1990, xã nhận được công trình làm tượng Bà mẹ Tổ quốc ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh… Từ đó tên tuổi của làng đá Ninh Vân đã được lan rộng khắp nơi. Ngày trước, làm đá chỉ tập trung ở làng Hệ, làng Thượng và Xuân Vũ, bây giờ phát triển rộng toàn xã. Đã có tiếng từ lâu nên sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân được thị trường ưa chuộng từ mẫu mã cho đến chất đá. Đó là bước đà lớn cho việc phát triển mạnh mẽ hơn nữa của làng nghề và đặc biệt là từ sau khi tái lập tỉnh, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân được quan tâm phục hồi và phát triển nhanh chóng. Vào Ninh Vân hiện nay chỗ nào cũng gặp những đống đá nguyên liệu, những “công trường” mi ni đục đẽo đá. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp trong xã đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng mua công nghệ, phương tiện và máy móc đưa vào làm nghề không chỉ nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm mà còn đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lã Huy Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay 13/13 thôn của xã đều tham gia sản xuất đá mỹ nghệ với khoảng 1.366/2.555 hộ, 2.775 lao động chuyên làm nghề đá mỹ nghệ, ngoài ra còn một lượng lớn lao động thời vụ vào những lúc cao điểm. UBND xã đã thành lập Ban quản lý làng nghề và được tỉnh quy hoạch 23 ha thành lập làng nghề tập trung. Đến nay làng nghề đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 11 ha, đưa 69 cơ sở, hộ sản xuất đá mỹ nghệ (có 19 doanh nghiệp) vào hoạt động. UBND xã cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình được thuê đất ven chân núi, đất 5% để làm bến bãi sản xuất đá mỹ nghệ. Bên cạnh đó, các hộ gia đình sản xuất đá mỹ nghệ còn tận dụng đất vườn của gia đình làm khu vực sản xuất đá mỹ nghệ. Ngoài việc duy trì nghề theo hình thức “Cha truyền, con nối”, từ năm 2000 xã đã chủ động liên doanh, liên kết với Trường Cao đẳng mỹ nghệ Nam Định hàng năm đào tạo từ 30-40 thợ làm đá mỹ nghệ bậc 3/7 cho làng nghề. Hơn 10 năm qua đã có 455 thợ ra trường và làm nghề. Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận 8 nghệ nhân chế tác đá mỹ nghệ của xã. Thu nhập của người lao động làng nghề từ 150.000-500.000 đồng/ngày công tùy theo tay nghề bậc thợ và mức nhận khoán giữa chủ và thợ. Hàng tháng, thu nhập của người lao động đạt từ 4-7 triệu đồng/người. Doanh thu từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề năm 2013 đạt 136.500 triệu đồng, chiếm 80% giá trị sản xuất của toàn xã và góp phần tích cực vào việc giảm hộ nghèo của xã xuống còn 2,45%.

Tuy xã Ninh Vân đã triển khai quy hoạch làng nghề tập trung sản xuất đá mỹ nghệ với diện tích 23 ha nhưng bước đầu mới thực hiện được 11 ha và đã giao quyền sử dụng đất cho gần 70 hộ kinh doanh. Nhu cầu về mặt bằng sản xuất là rất lớn và mong muốn được hỗ trợ, đầu tư xây dựng làng nghề giai đoạn 2 theo quy hoạch, trước mắt là xây dựng khu sơ chế phôi đá tập trung. Sản xuất đá mỹ nghệ còn manh mún, thiếu tập trung, còn mang nhiều tính tự phát. Sản phẩm làng nghề mới phát huy và dừng lại ở các sản phẩm lớn, còn sản phẩm vừa và nhỏ phục vụ khách du lịch thì ít, thị trường tiêu thụ bó hẹp. Nghề sản xuất đá mỹ nghệ vốn đã tạo ra tiếng ồn và bụi, trên địa bàn của xã lại có hai nhà máy xi măng Hệ Dưỡng và Duyên Hà khiến nguồn nước, nguồn không khí bị ảnh hưởng và người dân nơi đây phải hứng chịu đầu tiên. Vì vậy, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn xã. Đây cũng là vấn đề khó khăn và là một tiêu chí chưa đạt được trong xây dựng nông thôn mới của xã. Làm sao để người dân có thể phát huy được truyền thống làng nghề của mình lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường đến mức thấp nhất… và việc quy hoạch khu sản xuất tập trung cũng là một biện pháp giúp cho xã quản lý làng nghề cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường tốt hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *